Loài hoa này là “đặc sản” của cao nguyên đá Hà Giang
Dọc theo quốc lộ 4C, lạc bước vào các bản làng, hoa nấp mình trong các kẽ đá ở Lũng Cú, Đồng Văn, hoa bạt ngàn mênh mông Hoàng Su Phì, Xín Mần, hoa thẹn thùng e ấp bên những căn nhà trình tường đơn sơ ở Sủng Là, Phó Bảng,...
Tam giác mạch - loài hoa có cái tên kỳ lạ gắn với một sự tích cũng lạ kỳ không kém.
Rừng hoa nhỏ bé với những cái lá xanh non này khi tạo quả đã cứu đói cho cả làng khi mùa cũ đã qua, vụ mới còn chưa tới. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là cái tên “tam giác mạch” ra đời.
Người Mông còn gọi tam giác mạch là “chez”. Sau mùa lúa nương thu hoạch, người dân ở đây bắt đầu gieo hạt tam giác mạch, đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì bắt đầu thu hoạch.
Thân tam giác mạch khi còn non có thể dùng để luộc ăn như rau. Kết quả và thành hạt, khi thu hoạch có thể xay tam giác mạch thành bột làm lương thực, hoặc nấu với ngô tạo nên một thứ rượu có hương vị thật đặc biệt.
Không biết từ bao giờ, dân nhiếp ảnh và ham mê xê dịch đã bị loài hoa này quyến rũ, để rồi cứ vào thời điểm này lại í ới gọi nhau lên đường. Vượt hàng trăm cây số, họ chỉ mong được đắm mình trong không gian mờ ảo sương giăng kín núi rừng, thấp thoáng màu áo rực rỡ của cô gái dân tộc, ngắm màu hồng phớt xen lẫn trắng tinh khôi của tam giác mạch ngút ngàn.
Những thửa tam giác mạch như những tấm khăn choàng trên đá tai mèo xanh xám nhìn từ đỉnh Mã Pí Lèng
Ẩn hiện trong sương mù và mây giăng khắp lối
Qua một khúc cua hiểm trở hay tới một thung lũng nhỏ, bạn sẽ ngỡ ngàng khi bất chợt gặp những triền núi phủ đầy hoa, xếp tầng tầng lớp lớp như những bức tranh trong chuyện cổ.
Cô gái người Mông thu hoạch hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét